BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG
(Foot and Mouth Disease)
Bệnh LMLM là một bệnh truyền nhiễm do virút gây ra trên lợn. Bệnh còn thấy xuất hiện trên một số loài động vật guốc chẵn như trâu, bò, cừu, dê. Trên lợn, bệnh diễn ra nhẹ hơn khi diễn ra trên trâu, bò. Bệnh lây từ lợn sang trâu, bò.
A. Bờ móng sưng tích nước; B. Gan bàn chân sưng mọng nước, loét; C. Mụn nước hình thành ở kẽ ngón;
D. Loét kẽ ngón do vỡ mụn nước; E. Mụn nước hình thành ở gương mũi;
F. Mụn nước vỡ hình thành vết loét trên da vùng môi dưới.
CĂN NGUYÊN
Bệnh LMLM gây ra bởi virút thuộc giống Aphthovirus, họ Picornaviridae. Virút có kích thước nhỏ khoảng 25 nm, không có lớp vỏ bao ngoài, bên trong capsid chứa ARN. Hiện nay, virút được chia ra làm 7 serotype gồm có: O, A, C, Asia-1, SAT-1 (Southern African Territories-1), SAT-2 và SAT-3, chứa 65 chủng khác nhau. Chủng virút có tên O1 Manisa hay A24 Cruzeiro là chủng đã được đặt tên từ lâu. Serotype lưu hành phổ biến là serotype O gồm có 8 topotype: Middle East-South Asia (ME-SA), Southeast Asia (SEA), Cathay, Indonesia-1, Indonesia-2, East Africa, West Africa and Europe-South America (Euro-SA). Trong đó nổi trội nhất là topotype ME-SA chứa nòi PanAsia. Các serotype được thông báo thường xuyên xuất hiện tại Châu Á gồm: O, A và Asia-1. Hiện nay, tên các chủng được phân lập đã được tiêu chuẩn hóa hơn trước, bao gồm ngày tháng và khu vực đã phân lập được (ví dụ: O/UK/35/2001). Các biến chủng của virút LMLM làm giảm hiệu lực của vacxin. Không có sự miễn dịch chéo giữa các serotype.
ĐỘNG VẬT MẮC BỆNH
Bệnh diễn ra trên các loài động vật guốc chẵn như: lợn, trâu, bò, cừu, dê. Ngoài ra, còn có các động vật hoang dã khác gồm có: nai, hươu cao cổ, sơn dương, linh dương, lợn rừng, bò tót…
Virút LMLM phát tán qua không khí, có mặt trong các chất thải và chất bài tiết của cơ thể động vật mắc bệnh như: nước bọt, dịch mũi, nước mắt, sữa, nước tiểu, phân và tinh dịch, một lượng lớn virút được thải vào môi trường nuôi khi các mụn nước vỡ tạo thành vết loét. Quá trình truyền lây thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật mắc bệnh hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với không khí, chất thải và chất bài tiết mang mầm bệnh.
TRIỆU CHỨNG
Mức độ trầm trọng của bệnh tùy thuộc vào chủng virút gây bệnh cũng như sự bảo hộ của vacxin đối với lợn đã được tiêm phòng. Thể bệnh điển hình xuất hiện các dấu hiệu sau.
- Con vật sốt trong vòng 24-48 giờ, mệt mỏi, nằm sõng soài trên nền chuồng, ngày thứ ba có thể sốt cao 410C. Sau khoảng 4-6 ngày xuất hiện mụn nước ở một hay nhiều vị trí trên bề mặt da: gương mũi, rìa môi, kẽ móng, bờ móng, đầu vú ở lợn nái. Các mụn nước nhanh chóng vỡ hình thành các vết loét, trường hợp nặng vật bị bong móng, lột gan bàn chân chảy máu. Con vật bị què, đi khập khiễng.
- Ở lợn đang mai thai, vật sốt cao có thể dẫn đến sảy thai.
- Tỷ lệ tử vong ở lợn con có thể trên 50%.
BỆNH TÍCH
Khi bệnh xảy ra trên lợn gây tử vong, tiến hành mổ khám ít có giá trị do bệnh thường bội nhiễm vi khuẩn. Đối với lợn con, khi mổ khám có thể quan sát thấy hoại tử cơ tim.
ĐIỀU TRỊ
Đối với lợn trưởng thành khi mắc bệnh nhẹ có thể tự qua khỏi sau 2 tuần mắc bệnh. Để hạn chế bội nhiễm tại vết loét, có thể tiến hành sử dụng thuốc sát trùng ngoài da để bôi lên vết thương hở ví dụ: thuốc tím.
PHÒNG BỆNH
Bệnh LMLM là một bệnh phổ biến trên động vật guốc chẵn do tính lây lan mạnh qua không khí. Do vậy, công tác cách ly vùng dịch không đạt hiệu quả cao. Biện pháp hữu hiệu là đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho động vật kết hợp với công tác giám sát mầm bệnh tại địa phương. Đảm bảo an toàn sinh học chuồng nuôi tránh nguy cơ nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài cũng như để mầm bệnh phát tán ra xung quanh khi bệnh xuất hiện. Khi trang trại có dấu hiệu của bệnh LMLM cần báo cho cơ quan thú y địa phương tiến hành thu thập mẫu bệnh phẩm để gửi tới cơ quan phân tích nhằm xác định chủng virút LMLM đang lưu hành. Trên cơ sở đó cần có kế hoạch phòng chống bệnh thích hợp.
Hiện nay, người chăn nuôi có thể sử dụng vacxin LMLM do Công ty CP Thuốc thú y TW Vetvaco phân phối, sản xuất để tiến hành tiêm phòng cho đàn lợn. Đối với lợn chúng ta sử dụng Vacxin Aftopor, cách dùng đơn giản như sau:
Vùng có nguy cơ nhiễm bệnh LMLM thấp:
- Đối với động vật được sinh ra từ mẹ chưa được phòng bệnh: Tiêm mũi một lúc 14 ngày tuổi, nếu được nuôi trên 6 tháng thì tiến hành tiêm mũi 2 sau mũi một 4-5 tuần. Sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại một lần.
- Đối với động vật được sinh ra từ mẹ đã được phòng bệnh: Tiêm mũi một vào lúc 10 tuần tuổi, nếu được nuôi trên 6 tháng thì tiến hành tiêm mũi 2 cách mũi 1 từ 4-5 tuần và cứ 6 tháng tiêm nhắc lại một lần.
.
Vùng có nguy cơ lây nhiễm bệnh LMLM cao:
- Đối với động vật được sinh ra từ mẹ chưa được phòng bệnh: Tiến hành tiêm mũi 1 vào lúc 14 ngày tuổi, cách 4-5 tuần tiêm nhắc lại mũi 2. Sau đó cứ 4 tháng tiêm nhắc lại một lần.
- Đối với động vật được sinh ra từ mẹ đã được phòng bệnh: Tiến hành tiêm mũi 1 vào lúc 8 tuần tuổi, cách 4-5 tuần tiêm nhắc lại mũi 2. Sau đó cứ 4 tháng tiêm nhắc lại một lần.