BỆNH PHÓ THƯƠNG HÀN LỢN
(Porcine salmonellosis)
Bệnh Phó thương hàn lợn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn. Bệnh được mô tả trên lâm sàng ở hai thể: nhiễm trùng huyết và viêm ruột. Thể nhiễm trùng huyết thường xuất hiện ở lợn choai gây ra bởi Salmonella choleraesuis, bệnh diễn ra nhanh chỉ trong ít ngày, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 100%. Thể viêm ruột diễn ra cấp tính hoặc mãn tính ở lợn đang cai sữa cho đến 4 tháng tuổi thường được mô tả do S. typhimurium gây ra.
A. Ruột sưng, phù nề, thành mỏng; B. Hạch màng treo ruột sưng, phù nề; C. Phổi sung huyết, phù nề, bầm huyết;
D. Hẹp trực tràng.
CĂN NGUYÊN
Bệnh do vi khuẩn thuộc giống Salmonella họ Enterobacteriaceae gây ra. Trực khuẩn bắt màu Gram âm, có khả năng di động nhờ vào flagella và khả năng bám dính nhờ vào fibriae, vi khuẩn không sinh nha bào, nuôi cấy kỵ khí. Hiện nay trên thế giới đã xác định được hơn 2400 serotype. Xác định serotype của Salmonella chủ yếu dựa vào sự khác biệt kháng nguyên thân O và kháng nguyên lông H, sử dụng phản ứng ngưng kết để xác định serotype.
ĐỘNG VẬT MẮC BỆNH
Bệnh có phổ biến trên nhiều loài động vật như lợn, trâu, bò, gia cầm. Ở người bệnh được đặt tên là bệnh Thương hàn. Mầm bệnh được truyền từ vật mẹ sang con hay có thể lan truyền giữa các cá thể phơi nhiễm. Vật mắc bệnh bài thải mầm bệnh ra ngoài môi trường chăn nuôi qua phân, nước tiểu, dịch tiết miệng-mũi; mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể động vật phơi nhiễm thông qua đường miệng, mũi.
TRIỆU CHỨNG
Thể huyết nhiễm trùng:
- Sốt 40,5-41,60C
- Nằm lì một chỗ, rúc đầu vào góc chuồng.
- Vật ho, khó thở.
- Vùng da bụng, tai biến sắc đỏ tía.
- Dáng đi loạng choạng, co giật, liệt, khi chết nằm nghiêng một bên.
Thể viêm ruột:
- Vật sốt, tiêu chảy với phân dạng nước màu vàng, kém ăn, gầy yếu, chết.
- Trường hợp bị hẹp trực tràng, vật chướng bụng thải phân sủi bọt
BỆNH TÍCH
Thể huyết nhiễm trùng:
- Da vùng bụng, tai biến màu xanh tím.
- Sưng gan, lách, hạch màng treo ruột.
- Phổi sung huyết, phù, bầm huyết; vỏ thận, ngoại tâm mạc có các điểm xuất huyết; niêm mạc dạ dày, ruột non, bàng quang có các đốm xuất huyết hoặc bầm huyết.
Thể viêm ruột:
- Hạch màng treo ruột sưng to, phổi gan hóa, thận xuất huyết điểm trên bề mặt.
- Ruột non, ruột kết viêm hoại tử, thành ruột mỏng; niêm mạc manh tràng, hồi tràng viêm loét xù xì, xuất hiện các vết loét hình cúc áo; hẹp trực tràng.
ĐIỀU TRỊ
Khi bệnh xảy ra có thể dùng kháng sinh để điều trị; một số kháng sinh sau đây có tác dụng kháng Salmonella tốt khi tiến hành kiểm tra kháng sinh đồ: Amikacin, Gentamicin, Neomycin, Apramycin, Ceftiofur, and Trimethoprim-sulfonamide. Tuy nhiên, trên thực địa việc sử dụng các loại kháng sinh để điều trị bệnh Phó thương hàn nhanh chóng bị mất tác dụng do sự kháng thuốc của vi khuẩn Salmonella.
PHÒNG BỆNH
Để ngăn chặn một cách có hiệu quả sự lây lan của mầm bệnh, cần thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học chuồng nuôi. Tiêm phòng vacxin Phó thương hàn lợn đúng lịch.
Sử dụng vacxin Phó thương hàn lợn (vô hoạt) do Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Vetvaco sản xuất tiêm phòng cho lợn con lúc 20 ngày tuổi mũi 1, sau 2-3 tuần tiêm nhắc lại mũi 2. Thời gian miễn dịch kéo dài 6 tháng. Vacxin có thể tiêm cho lợn ở giữa thai kỳ để tạo kháng thể đặc hiệu truyền qua sữa, nâng cao sức đề kháng của lợn con sau khi sinh.