BỆNH TAI XANH
(Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome - PRRS)
A. Vùng da tai sung huyết; B. Da tai biến sắc tím tái; C. Lợn con chết ngay sau khi sinh; D. Thai gỗ
CĂN NGUYÊN
Bệnh “Tai xanh” hay còn gọi Hội chứng rối loạn hô hấp sinh sản ở lợn được gây ra bởi virút PRRS. Đây là một virút ARN sợi dương, thuộc họ Arteriviridae. Virút được bao bọc bên ngoài một lớp vỏ có đường kính từ 50-65 nm, bề mặt tương đối nhẵn, bên trong chứa nucleocapsid hình khối có đường kính từ 25-35 nm. Cấu trúc gen của virút tương tự như arteriviruses, nó có chiều dài xấp xỉ 15kb với 8 đoạn khởi động (ORFs). Trong đó ORFs 1a và 1b đóng vai trò mã hóa cho quá trình tổng hợp lên các protein không cấu trúc (nsp). Các epitop nằm trên nsp2 có vai trò quan trọng trong quá trình tạo đáp ứng miễn dịch.
Sự phân biệt các chủng PRRS dựa vào các yếu tố sau:
- Sự biến đổi của các dấu hiệu lâm sàng.
- Các bằng chứng khác biệt thực nghiệm về pneumovirulence và/hoặc reproductive virulence.
- Sự khác biệt về kháng nguyên được xác định bằng các phản ứng kháng thể đơn dòng hoặc đa dòng.
- Sự khác biệt về trình tự ARN.
Dựa vào trình tự ARN, virút được chia làm hai genotype: Chủng genotype 1 và chủng genotype 2.
ĐỘNG VẬT MẮC BỆNH
Lợn, lợn rừng, vịt trời (Anas platyrhynchos) là những động vật mẫn cảm với bệnh; chưa có bằng chứng nào cho thấy virút PRRS nhân lên trên chuột, chó, mèo, động vật có túi, gấu trúc, chồn, chim sẻ, chim sáo đá.
TRIỆU CHỨNG
Ở những vùng lần đầu tiên có dịch, bệnh thường diễn ra ở thể cấp tính với các biểu hiện sau đây.
Lợn nái đang mang thai:
+ Khoảng 10-15% số con trong đàn bỏ ăn, giai đoạn này kéo dài 7-14 ngày.
+ Thân nhiệt 39-400C.
+ 1-6% nái trong đàn bị sảy thai.
+ Tai bị biến sắc trong một thời gian ngắn.
+ Có 10-15% nái đẻ non.
+ Chậm động dục trở lại.
+ Vật ho và xuất hiện dấu hiệu bệnh đường hô hấp.
Lợn nái đang trong thời kỳ sinh:
+ Bỏ ăn, lười uống nước.
+ Mất sữa, viêm vú.
+ Đẻ sớm 2-3 ngày.
+ Con vật lờ đờ, chậm chạp.
+ Vật ho, có dấu hiệu viêm hệ hô hấp.
+ Lợn đẻ thai gỗ.
+ Số lượng lợn con chết ngay sau khi sinh tăng tới 30%.
+ Lợn con khi sinh ra có thể trạng rất yếu.
+ Da biến sắc, một số con trong đàn có tai màu xanh tím (chiếm khoảng 5% toàn đàn), dấu hiệu này chỉ xuất hiện trong vài giờ.
Lợn con:
+ Dễ mắc tiêu chảy.
+ Gầy yếu, xơ xác.
+ Phù quanh hốc mắt.
+ Khả năng sống sót thấp.
+ Tăng các bệnh về hệ hô hấp.
Lợn đực giống:
+ Bỏ ăn.
+ Sốt.
+ Con vật chậm chạp, lờ đờ.
+ Giảm tính dục.
+ Giảm chất lượng tinh dịch.
Lợn choai, lợn trưởng thành:
+ Da biến sắc, tím tái.
+ Ho nhẹ, hắt hơi. Tỷ lệ mắc bệnh hệ hô hấp tăng.
+ Tỷ lệ tử vong 12-15%.
BỆNH TÍCH
Trường hợp vật mắc bệnh cấp tính thường chết nhanh do virút phát huy độc tính ở phổi. Do đó, tổn thương ở các mô lympho và phổi là đặc trưng nhất cho bệnh ở thể cấp tính. Trên thực địa, hình ảnh bệnh tích tại phổi và hạch lympho ít điển hình do tác động của một số vi khuẩn hoặc virút khác. Khi mổ khám có thể quan sát thấy hạch lympho giãn to gấp 10 lần thông thường, phù nề, ánh vàng và hơi cứng.
ĐIỀU TRỊ
Không có thuốc điều trị đặc hiệu. Có thể dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng để điều trị bệnh kế phát do vi khuẩn gây ra. Các kháng sinh như: Tetracycline, Trimethoprim, Penicillin ...
PHÒNG BỆNH
Dùng vacxin để tiêm phòng.