BỆNH CÚM GÀ
(Avian Influenza)
Bệnh cúm gia cầm là bệnh do virút gây ra cho một số loài gia cầm ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Bệnh diễn ra ở nhiều thể, từ nhẹ đến nặng và tử vong. Bệnh cúm gia cầm lây lan từ động vật mắc bệnh sang người. Nó được xem như là một bệnh nghề nghiệp đối với người lao động trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, sản xuất vacxin, nhân viên phòng thí nghiệm và những lao động khác tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.
A. Mào, tích tím tái; B. Phù đầu; C. Bầm huyết, hoại tử mào tích;
D. Xuất huyết da cẳng chân, ngón chân; E. Sung huyết, xuất huyết túi lòng đỏ;
F. Xuất huyết ngoại tâm mạc; G. Diều xuất huyết; H. Phổi phù nề, sung huyết, xuất huyết, I. Niêm mạc khí quản xuất huyết.
CĂN NGUYÊN
Virút cúm gia cầm (Avian influenza viruses) thuộc họ Orthomyxoviridae, giống influenzavirus, bên trong có chứa ARN. Được chia làm 3 type A, B, C trong đó duy nhất type A được biết tới gây bệnh cho gia cầm.
Virút có dạng hình cầu, kích thước 80-120 nm, bao bên ngoài bởi lớp vỏ lipid, trên bề mặt có các sợi tua, các sợi tua có thể kéo dài tới hàng trăm nm. Bề mặt được bao phủ bởi hai loại glycoprotein có chiều dài 10-14 nm và đường kính 4-6 nm. 1) rod – shaped trimers of hemagglutinin (HA) và 2) mushroom – shaped tetramers of neuraminidase (NA). ARN mã hoá cho 10 loại protein bao gồm HA, NA, NP, M1, M2, PB1, PB2, PA và hai protein không cấu trúc NS1, NS2. Trong 10 protein nói trên, protein HA và NA là hai protein bề mặt có vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán, phát hiện sự có mặt của virút cúm gà.
Căn cứ vào phản ứng AGID phát hiện sự có mặt của protein NP và M1 để phân định virút cúm thành type A, B, C. Tất cả virút gây bệnh cúm gà đều thuộc vào type A. Hiện nay, type A được phân thành các subtype khác nhau; dựa trên sự khác biệt về protein HA (H) và NA (N) có subtype H1 đến H16, subtype N1 đến N9. Subtype H được xác định bằng phản ứng HI (Hemagglutinin inhibition test), subtype N được xác định bằng phản ứng NI (Neuraminidase inhibition test).
Dựa vào độc lực gây bệnh chia virút cúm thành hai thể: Thể độc lực cao gây chết ít nhất 75% trong vòng 10 ngày đối với gà 4-8 tuần tuổi được gây nhiễm qua đường nội tĩnh mạch hay có chỉ số IVPI lớn hơn 1,2. Đối với thể độc lực thấp tỷ lệ chết khoảng 5%.
Ở Việt Nam đã xác định type H5N1 gây bệnh thể độc lực cao trên gà.
LOÀI MẮC
Thể độc lực cao thường xuất hiện trên gà. Ngoài ra một số động vật khác cũng mang virút truyền bệnh: Gà tây, chim cảnh, vịt, vịt trời, ngỗng. Trong tự nhiên virút cúm type H5N1 thể lực cao còn có thể gây bệnh lẻ tẻ trên hổ, báo, mèo nhà, cầy hương, chim nhạn, lợn, người. Trong phòng thí nghiệm có thể gây nhiễm trên chồn, chuột nhắt, thỏ, chuột lang ...
ĐƯỜNG TRUYỀN LÂY
Bệnh có thể lây lan trực tiếp từ vật mắc bệnh sang vật lành hoặc gián tiếp từ các chất thải chăn nuôi động vật mắc bệnh sang vật lành thông qua tiếp xúc. Gia cầm chăn thả có thể mắc bệnh do tiếp xúc với động vật mang mầm bệnh hoang dã như vịt trời, chim. Đối với trứng được sản xuất trong vùng có dịch cần được làm vệ sinh, sát trùng ngoài vỏ để giảm thiểu nguy cơ phát tán virút cúm.
TRIỆU CHỨNG
Tuỳ thuộc vào độc lực của chủng virút gây bệnh, sự bảo hộ của vacxin, bệnh sẽ diễn ra ở mức độ nặng hay nhẹ.
- Tỷ lệ bệnh lưu hành có thể tới 100%.
- Gà chết đột ngột.
- Biếng ăn, bỏ ăn rõ rệt, giảm uống nước, suy kiệt.
- Vật ho, khò khè, chảy nước mắt.
- Ủ rũ, ốm yếu, chậm chạp, kém hoạt động, nghẹo cổ, đứng không vững, liệt.
- Ỉa chảy ra nước.
- Giảm đẻ.
BỆNH TÍCH
- Gia cầm chết đột ngột không có dấu hiệu tổn thương.
- Phù đầu; mào và tích tím tái, sung huyết, xuất huyết, có nốt hoại tử.
- Xuất huyết điểm, bầm huyết dưới da; tím tái vùng da không có lông; da chân và ngón chân xuất huyết.
- Viêm kết mạc.
- Xoang miệng, mũi phù nề, tiết dịch.
- Lỗ huyệt xuất huyết, chảy máu.
- Niêm mạc khí quản sung huyết, xuất huyết, chứa dịch rỉ viêm.
- Túi khí và xoang phúc mạc viêm thể cata hoặc fibrin (có sự lắng đọng casein khi có nhiễm trùng thứ phát).
- Phổi phù nề, xuất huyết.
- Ngoại tâm mạc xuất huyết.
- Cơ ngực sung huyết.
- Niêm mạc dạ dày tuyến, dạ dày cơ xuất huyết.
- Bề mặt niêm mạc, màng thanh dịch ruột non xuất huyết.
- Mảng Peyer ở ruột non xuất huyết, hoại tử.
- Tuỵ, lách và tim có các điểm hoại tử. Đôi khi còn thấy xuất hiện ở gan và thận.
- Thận sưng, lắng đọng urate.
- Ống dẫn trứng phù nề, viêm cata, lòng ống chứa dịch rỉ viêm fibrin.
- Nang trứng xuất huyết, thoái hoá.
ĐIỀU TRỊ
Không có thuốc điều trị. Tăng cường công tác quản lý đàn, áp dụng hợp lý chế độ dinh dưỡng và sử dụng kháng sinh cho gà có thể làm giảm tỷ lệ chết.
PHÒNG BỆNH
Tiêm phòng vacxin cúm cho đàn gà. Tiến hành khử trùng chuồng trại thường xuyên. Ngăn ngừa động vật hoang dã xâm nhập vào khu chuồng nuôi. Làm tốt công tác vệ sinh an toàn sinh học trong trang trại, chuồng nuôi.