Vetvaco

Tin tức

THÔNG TIN VỀ BỆNH ĐÓNG DẤU LỢN

22/12/2021

BỆNH ĐÓNG DẤU LỢN
(Swine Erysipelas)
 
A. Da xuất hiện nốt ban xuất huyết; B. Khớp viêm không hoá mủ
CĂN NGUYÊN
Erysipelothrix rhusiopathiae là một trực khuẩn bắt mầu Gram (+), nó có xu hướng hình thành sợi mảnh dài. Trên tiêu bản kính phết làm trực tiếp từ mô bệnh phẩm của con vật mắc bệnh cấp tính vi khuẩn có hình que mảnh, thẳng hoặc hơi cong. Kích thước vi khuẩn: 0,2-0,4×0,8-2,5 µm, vi khuẩn nằm tách rời từng con một hoặc sắp xếp thành chuỗi ngắn. Đôi khi thấy chúng có dạng hình cầu hoặc hình dùi cui. Vi khuẩn không có lông, không di động, không sinh nha bào, không bắt mầu khi nhuộm Acid-fast.
Vi khuẩn Đóng dấu mẫn cảm với Penicillin và Tetracycline; kháng lại với Polymyxin B, Neomycin, Kanamycin, Streptomycin và Sulfonamide. Nó dễ dàng bị bất hoạt bởi các chất tẩy uế thông thường, nhiệt độ 600C/15 phút và các loại tia gamma.
 
TRIỆU CHỨNG
Thể cấp tính:
+ Sốt đột ngột 40-420C.
+ Chậm chạp, thẫn thờ.
+ Biếng ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn.
+ Dáng đi khó nhọc, khập khiễng.
+ Có thể có ỉa chảy (ở những lợn choai).
+ Sảy thai ở những nái đang mang thai hoặc đẻ thai gỗ.
+ Trên da xuất hiện những nốt ban màu đỏ, hình thù đặc trưng: hình vuông, hình thang. Trường hợp nốt ban màu đỏ tía báo hiệu trước con vật đang ở thể cấp tính tử vong. Sau vài ngày tại ví trí ban xuất huyết lớp da sẽ bị hoại tử, khô và bong đi.

Thể á cấp tính:
Các dấu hiệu nêu trên xuất hiện ở mức độ ít nghiêm trọng hơn. Vật ăn uống bình thường, thân nhiệt tăng nhẹ. Tổn thương trên da xuất hiện ít, khó phát hiện.

Thể mãn tính:
Sau ba tuần mắc bệnh, nếu vật qua khỏi, bệnh sẽ chuyển sang thể mãn. Giai đoạn này dấu hiệu điển hình là con vật bị què, đi lại khập khiễng, khớp bị sưng và cứng. Hậu quả do viêm khớp mãn tính gây ra.

BỆNH TÍCH
+ Trên da xuất hiện các nốt ban màu đỏ hoặc đỏ tía, có dạng hình vuông hoặc hình thang.
+ Cơ tâm nhĩ xuất huyết điểm và bần huyết đặc biệt là ở cơ tâm nhĩ trái. Thể mãn tính viêm nội tâm mạc.
+ Dạ dày viêm cata, có thể xuất huyết màng thanh dịch.
+ Lách sung huyết, giãn rộng.
+ Niêm mạc bàng quang sung huyết.
+ Hạch lympho sung huyết, xuất huyết.
+ Đôi khi trên bề mặt thận có các điểm xuất huyết.
+ Trong thể mãn tính các khớp khuỷu, khớp cổ chân viêm không hoá mủ: khớp to ra, bao khớp mỏng, xoang khớp chứa đầy hoạt dịch có màu hơi vẩn đục, mặt khớp bị mô liên kết xâm lấn phủ lên bề mặt. Trường hợp nặng sụn bị xơ hoá và gây cứng khớp.
 
ĐIỀU TRỊ
Khi bệnh xuất hiện cần tiến hành điều trị nhanh chóng bằng Penicillin. Tiêm Penicillin 1 ml/10 kg (300.000 UI/ml) nội cơ với liệu trình 2 lần/ngày, điều trị liên tục trong 3 ngày. Có thể dùng Phenoxymethyl penicillin trộn vào thức ăn 200 g/tấn, cho ăn trong 10-14 ngày; đây là một phương pháp điều trị hiệu quả khi có dịch xảy ra.
 
PHÒNG BỆNH
Bệnh được phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vacxin Đóng dấu cho lợn. Nên dùng vacxin Tụ Dấu do Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Vetvaco sản xuất tiêm phòng cho lợn để đồng thời tạo miễn dịch với bệnh Tụ huyết trùng và Đóng dấu lợn.
Đối với vacxin Tụ Dấu lợn (nhược độc) tiến hành tiêm phòng như sau:
Vacxin được tiêm cho lợn để đồng thời phòng hai bệnh Tụ huyết trùng lợn và bệnh Đóng dấu lợn. Vacxin tiêm cho lợn từ hai tháng tuổi trở lên, sau khi tiêm 14 ngày lợn có miễn dịch với cả hai bệnh. Miễn dịch bảo hộ kéo dài 6 tháng.
 
Vacxin dùng tiêm dưới da hoặc tiêm bắp với liều:
- Lợn ≤ 25 kg Tiêm 2 ml/con
- Lợn > 25 kg Tiêm 3 ml/con
 
Đối với vacxin Đóng dấu lợn (nhược độc) tiến hành tiêm phòng như sau:
Vacxin được tiêm cho lợn từ 2 tháng tuổi trở lên để phòng bệnh Đóng dấu lợn. Miễn dịch bảo hộ xuất hiện sau khi tiêm 9 ngày. Thời gian miễn dịch kéo dài 7-9 tháng. Có thể tiêm vacxin Đóng dấu lợn cùng lúc với vacxin Tụ huyết trùng lợn, vacxin Dịch tả lợn. Không nên tiêm cho lợn đang ốm, lợn sắp đẻ hay vừa mới đẻ.