BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG
(Foot and mouth diseases - FMD tên khác Aphthous fever)
Bệnh FMD là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật gốc chẵn như: Trâu, bò, cừu, dê, lợn và loài linh dương; bệnh do virút gây nên. Bệnh xuất hiện với bệnh cảnh: mụn nước, vết loét ở vùng bờ miệng, gương mũi, xoang miệng, chân, núm vú, bầu vú và vách dạ cỏ.
A. Miệng chảy nước dãi; B. Loét lưỡi; C. Mụn nước hình thành trên bề mặt lưỡi; D. Xoang miệng có chứa các vết loét;
E. Mụn nước hình thành ở vành mũi, gương mũi; F. Mụn hình thành ở đầu núm vú; G. Loét vùng da kẽ móng;
H. Vết loét hình thành ở dạ cỏ; I. Cơ tim thoái hoá, hoại tử; K. Gương mũi bị loét.
CĂN NGUYÊN
Bệnh do virút thuộc giống Apthovirus, họ Picornaviridae gây ra. Virút có cấu trúc capsid hình khối đa diện 20 mặt, kích thước virút khoảng 30 nm, bên trong chứa ARN. Capsid được cấu tạo từ 60 tiểu phần khác nhau, mỗi một tiểu phần được cấu thành từ 3 protein bề mặt VP1 (1D), VP2 (1B), VP3 (1C) và một protein VP4 (1A).
Virút gây bệnh FMD bao gồm các chủng virút chủ yếu sau đây: A, O, C. Ngoài ra còn có một số chủng khác đã được phân lập ở Châu phi: SAT 1, SAT 2 và SAT 3 bên cạnh chủng ASIA-1 được phân lập ở Châu Á và Đông Á.
ĐƯỜNG TRUYỀN LÂY
Bệnh lây lan hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp thông qua động vật mang bệnh và các chất bài tiết của chúng bao gồm: nước bọt, máu, nước tiểu, phân, sữa, tinh dịch, thịt, mô của động vật mắc bệnh; rác thải chuồng nuôi, dụng cụ chăm sóc tiếp xúc với vật mắc bệnh; lây nhiễm qua đường tiêm.
TRIỆU CHỨNG
- Vật ủ bệnh 1-5 ngày hoặc lâu hơn.
- Tỷ lệ lưu hành: xấp xỉ 100%.
- Tỷ lệ tử vong: 50% ở động vật non, 5% ở động vật trưởng thành; tuỳ thuộc vào độc lực của chủng virút gây bệnh và sức đề kháng của động vật.
- Sốt tới 41,70C.
- Chậm chạp, thẫn thờ.
- Bỏ ăn.
- Giảm tiết sữa nghiêm trọng.
- Vật dễ bị kích thích, sợ sệt, rung cơ.
Khi các mụn nước xuất hiện vật có các dấu hiệu:
- Co giật cơ môi.
- Tăng tiết nước bọt, chảy nước dãi.
- Chân lúc lắc, khập khiễng.
Mụn nước và các vết loét hình thành sau đó thường xuất hiện ở xung quanh bờ miệng, lưỡi, xoang miệng, núm vú và trên vùng da nằm tiếp giáp phía trên móng và chân. Con vật bị bong móng trong thể mạn tính. Một số chủng virút gây bệnh FMD đặc trưng trên lợn, cừu và dê thay vì gây nên các mụn nước sẽ tạo thành các mụn loét.
BỆNH TÍCH
- Hoại tử cơ ở các động vật non mắc bệnh cấp tính.
- Tổn thương loét ở lưỡi, vòm miệng, nướu, thành dạ cỏ và chân.
PHÒNG BỆNH
Trong trường hợp bệnh xảy ra cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp cô lập, cách ly vùng có dịch. Không để động vật, chất thải trong chăn nuôi, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật mắc bệnh di chuyển, phát tán từ vùng có dịch sang vùng không có dịch. Tiến hành tiêu độc khử trùng thường xuyên trong vùng có dịch. Với dung dịch NaOH 2% có thể nhanh chóng tiêu diệt virút trong khoảng thời gian từ 1-2 phút. Virút có thể bị bất hoạt bởi các dung dịch acid acetic, ethylene oxid, citric 0,5% hoặc acid lactic.
Sử dụng vacxin Aftopor hoặc Aftovax để tiêm phòng cho trâu, bò. Đây là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch Lở mồm long móng trên đàn gia súc. Hướng dẫn tiêm phòng bệnh LMLM trên trâu, bò như sau:
Vùng có nguy cơ nhiễm bệnh LMLM thấp:
- Đối với động vật được sinh ra từ mẹ chưa được phòng bệnh: 14 ngày tuổi tiêm mũi một, cách 4-5 tuần tiêm nhắc mũi 2 và cứ sau 6 tháng tiêm nhắc lại một lần.
- Đối với động vật được sinh ra từ mẹ đã được phòng bệnh: Tiêm mũi 1 vào lúc 10 tuần tuổi, cách 4-5 tuần tiêm nhắc lại mũi 2 và cứ sau 6 tháng tiêm nhắc lại một lần.
Vùng có nguy cơ lây nhiễm bệnh LMLM cao:
- Đối với động vật được sinh ra từ mẹ chưa được phòng bệnh: Tiến hành tiêm mũi 1 vào lúc 14 ngày tuổi, cách 4-5 tuần tiêm nhắc lại mũi 2. Sau đó cứ 4 tháng tiêm nhắc lại một lần cho trâu, bò, lợn và 6 tháng một lần cho cừu và dê.
- Đối với động vật được sinh ra từ mẹ đã được phòng bệnh: Tiến hành tiêm mũi 1 vào lúc 8 tuần tuổi, cách 4-5 tuần tiêm nhắc lại mũi 2. Sau đó cứ 4 tháng tiêm nhắc lại một lần cho trâu, bò, lợn và 6 tháng một lần cho cừu và dê.