BỆNH PARVO TRÊN LỢN
(Porcine Parvovirus)
Bệnh Parvo trên lợn hay còn gọi bệnh “Thai gỗ” là một bệnh truyền nhiễm trên lợn do virút gây ra, sự tác động của mầm bệnh lây nhiễm làm suy giảm khả năng sinh sản ở lợn nái với đặc điểm gây chết phôi và thai. Lợn nái mắc bệnh thường không xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng. Bệnh phát ra chủ yếu trên các đàn lợn nái có huyết thanh âm tính với parvovirus, bị phơi nhiễm virút qua đường miệng-mũi trong nửa đầu thai kỳ.
A. So sánh phôi thông thường phía trên với phôi bị sảy trong bệnh Parvo lợn phía dưới; B. Hình ảnh thai gỗ;
C. Tử cung của thai chết do tác động của virút lắng đọng dịch rỉ viêm.
CĂN NGUYÊN
Virút gây bệnh Parvo trên lợn (Porcine parvovirus - PPV) được sắp xếp vào giống Parvovirus họ Parvoviridae. Virút có dạng hình khối lập phương cân đối, có hai hoặc ba lớp capsid bao bọc AND, không có lớp vỏ bao ngoài, đường kính virút khoảng 20 nm, trọng lượng 5,3×106 dalton. Kháng nguyên virút có đặc tính gây ngưng kết hồng cầu, chịu nhiệt, sống sót tốt khi điều kiện pH thay đổi trong phạm vi rộng.
ĐỘNG VẬT MẮC BỆNH
Bệnh xảy ra trên lợn, các dấu hiệu của bệnh chủ yếu xuất hiện trên lợn cái, chưa có bằng chứng khẳng định giảm khả năng sinh sản ở lợn đực. Mầm bệnh tồn tại ở trong dịch tiết, chất thải của động vật, lây lan qua đường hô hấp hoặc miệng. Lợn đực chuyền bệnh sang con cái mẫn cảm qua đường giao phối do virút tồn tại trong tinh dịch. Bệnh thường phát ra ở những con cái chưa có miễn dịch với mầm bệnh. Lợn mẹ chuyền kháng thể đặc hiệu cho lợn con qua sữa đầu.
TRIỆU CHỨNG
Dấu hiệu lâm sàng thường không biểu hiện khi con vật đang trong thời gian ngoài thai kỳ. Khi vật bị phơi nhiễm mầm bệnh trong nửa đầu thai kỳ, vật mắc bệnh biểu hiện bên ngoài có thể thấy giảm kích thước vòng bụng, xuất hiện hiện tượng rối loạn sinh sản: sảy thai, thai gỗ, chết non, còi cọc, tỷ lệ sống sau khi sinh thấp; lợn mẹ có thể động dục trở lại nhưng giảm số con sinh ra trong một lứa.
BỆNH TÍCH
Bệnh không gây chết động vật, bệnh tích chủ yếu xuất hiện trên phôi, thai có thể quan sát được bằng mắt thường. Thai phù nề, sung huyết, xuất huyết, xoang cơ thể thấm dịch. Trường hợp thai chết lâu sẽ mất nước, tích lại trong tử cung lợn mẹ, khi được đẩy ra ngoài thường ở dạng thai gỗ.
ĐIỀU TRỊ
Hiện nay không có thuốc điều trị cho bệnh Parvo lợn. Kiểm soát bệnh trong đàn nuôi chủ yếu áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học chuồng nuôi và tiêm phòng vacxin theo lịch.
PHÒNG BỆNH
Bệnh có thể ngăn ngừa tốt bằng cách tiêm phòng vacxin phù hợp. Hiện nay, có thể dùng vacxin Parvo lợn do Công ty CP Thuốc thú y TW Vetvaco sản xuất để tiêm phòng cho vật nuôi. Cách sử dụng vacxin có thể được thực hiện theo hướng dẫn sau.
Vacxin Parvo lợn (vô hoạt) dùng tiêm cho lợn đực và lợn cái để phòng bệnh Rối loạn sinh sản ở lợn do virút Parvo gây ra. 21 ngày sau khi tiêm vacxin con vật miễn dịch với bệnh, miễn dịch bảo hộ kéo dài 6-7 tháng.
Lợn hậu bị: Tiêm lần thứ nhất vào lúc lợn 4-5 tháng tuổi, sau một tháng tiêm nhắc lại lần 2. Lợn nuôi trên một năm thì mỗi năm sau đó tiến hành tiêm nhắc lại một lần.
Lợn nái: Sau khi đẻ 15-20 ngày tiêm mũi thứ nhất, sau 2-3 tuần tiêm nhắc lại mũi hai.
Vacxin tiêm dưới da hoặc tiêm bắp mỗi con một liều tương đương 2 ml.